Thông Báo

banner image

Kỹ Thuật Thở Trong Bơi Lội - Thở Trong Bơi Ếch

Khi tìm đến bơi lội hầu hết những người mới bắt đầu thường chú trọng nhiều vào động tác, chúng ta vô tình quên mất một điều quan trọng nhất trong bơi lội chính là thở hay còn gọi là hô hấp.

Cách thở trong bơi ếch



Trong bài viết này mình sẽ cố gắng giải thích các kiến thức cơ bản nhất về thở trong bơi lội. Trước hết bạn cần biết cách thở nước hãy tham khảo bài học dưới đây nếu bạn chưa biết thở nước nhé.

Xem thêm:

Để thấy được tầm quan trọng của kỹ thuật này mình sẽ lấy ví dụ ở ba trường hợp khác nhau trong kiểu bơi ếch, kiểu bơi phổ thông thường gặp nhất.

Trường hợp 1: Bơi vì nhu cầu sức khỏe

Nhắc đến bơi lội, chắc chắn không ai có thể phủ nhận những tác động tích cực mà nó mang lại cho sức khỏe con người. Trong số các kiểu bơi thì bơi ếch là kiểu bơi thường được lựa chọn, không chỉ phù hợp với người mới bắt đầu mà nó còn thích hợp cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Khi bơi ếch, cơ thể con người được hoạt động gần như toàn bộ, với sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ phận từ đầu đến chân. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng nằm ở yếu tố ít ai nghĩ đến, đó chính là hô hấp (thở), khi bơi bạn thở ra bằng mũi và hít vào bằng miệng nó giúp bạn thải các chất độc tố trong cơ thể ra ngoài.

Thở nước có tác dụng tích cực cho hô hấp
Chính vì vậy, bơi lội là môn thể thao phù hợp đối với những người lớn tuổi, người có bệnh về đường hô hấp. Cá nhân mình cũng là người mắc bệnh viêm mũi từ bé (do di truyền) ngay cả bệnh viện cũng nói là bệnh không thể khỏi và mình cũng thường xuyên đối mặt với những chứng dị ứng, hắt hơi, cảm lạnh ... Nhưng từ khi biết bơi đến nay mình hầu như không còn gặp lại những vấn đề này nữa.

Đối với những ai trong trường hợp này, các bạn không cần quá chú trọng động tác, thay vào đó hãy bơi lội thường xuyên (tối thiểu 1 lần 1 tuần) và nên thở nước khoảng 10 lần trước khi bơi như một cách để khởi động.

Khi bơi ếch nhằm cải thiện sức khỏe hãy tham khảo bài học bơi ếch cơ bản trên Blog nhé, với động tác được tối giản, nhằm mục đích giúp bạn nhanh chóng làm quen và học bơi ếch nhanh nhất có thể.

Xem thêm:

Trường hợp 2: Bơi bền

Bơi ếch có một lợi thế đặc biệt đó là sự hoạt động nhịp nhàng, cùng khả năng thích ứng cao, không chỉ bơi được trong hồ mà cả sông, thậm chí là biển, nên khi phải bơi trong thời gian dài (bơi bền) nhiều người thường chọn kiểu bơi này.

Tuy nhiên, yếu tố khiến người bơi ếch có thể bơi lâu hơn trong nước so với các kiểu bơi khác chính là hô hấp (thở), cách thở của động tác bơi ếch đơn giản, cơ thể được đặt trong trạng thái thoải mái, đầu rời khỏi nước khá xa không sợ nước tràn vào mũi hoặc miệng.

Động tác thở trong bơi ếch
Bạn thực hiện động tác tương tự như động tác trong bài viết học bơi ếch cơ bản nhưng với một tốc độ chậm hơn, thư giãn hơn quan trọng nhất là phải kiểm soát được nhịp hô hấp của cơ thể. Đây là một video bơi ếch theo hình thức bơi bền, với tốc độ tương đối và người bơi kiểm soát rất tốt hơi thở của mình:



Đối với trường hợp bơi ếch để bơi lâu hơn, các bạn hãy thực hiện theo các lưu ý sau:

  • Thở sau mỗi nhịp

Một số bạn có thói quen thở sau khi đã hết hơi hoặc sau 2 đến 3 nhịp bơi (1 nhịp bơi là khi bạn thực hiện xong 1 chuỗi động tác gồm cả chân và tay) khi đó cơ thể đặc biệt là phổi của bạn sẽ phải chịu một sức ép khá lớn khiến bạn mau chóng mệt và đuối sức buộc lòng phải ngoi lên thở và cơ thể lại phải gồng mình ngoi lên trong tình trạng thiếu ô xi.

  • Lấy hơi sâu

Hãy ngoi đầu lên cao một chút, miệng mở rộng và lấy một hơi thật sâu, sâu nhất có thể, khi đầu xuống dưới nước hãy thở ra bằng mũi hết tất cả và không giữ lại gì, khi đã hết hơi cũng là lúc ta ngoi lên lấy hơi

  • Bơi chậm

Hãy thực hiện các động tác chậm lại một chút, nó vừa giúp bạn cảm nhận dòng nước, hạn chế lực cản đồng thời cũng giúp cơ bắp không mỏi và bơi lâu hơn.

Trường hợp 3: Bơi nhanh

Thông thường chúng ta sẽ thấy những người bơi ếch nhanh trong các cuộc thi, đua, như Olympic... Cá nhân mình không phải một vận động viên và cũng không chuộng kiểu bơi này lắm nên cũng không thể cung cấp đầy đủ kiến thức về phần này, mong các bạn thông cảm.

Chúng ta sẽ cùng phân tích qua những hình ảnh từ các vận động viên chuyên nghiệp để thấy được các thở của họ trong khi bơi ếch. Đây là video chung kết bơi ếch nam cự li 100m tại Sea Games lần 28 ở Singapore


Còn đây là video động tác bơi ếch của nhà vô địch Olympic Michael Phelps:


Trong video chúng ta thấy được huấn luyện viên của Phelps đề cập đến rất nhiều yếu tố như vị trí đầu, vị trí cơ thể... nhưng trong bài học này chúng ta chỉ xét đến kỹ thuật thở (hô hấp). Bạn có thể dễ dàng nhận ra Phelps lấy hơi rất nhanh, sau mỗi lần lướt nước (động tác duỗi thẳng cả tay và chân khi cơ thể chìm trong nước).

Mỗi lần ngoi lên lấy hơi của anh hầu như chưa đến 2 giây và anh lấy hơi sau mỗi nhịp bơi chứ không bơi liên tục hoặc hết hơi mới ngoi lên. Đặc biệt, khi cơ thể chìm xuống nước ở mũi của anh những loạt bong bóng liên tục nổi lên, chứng tỏ anh thở rất mạnh và thậm chí là hết hơi trong một lần.

Phelps lấy hơi rất nhanh sau mỗi nhịp bơi
Qua bài viết này, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của hô hấp, thở trong bơi ếch nói riêng và bơi lội nói chung. Chính vì vậy, trước khi bắt đầu học bơi lời khuyên của mình dành cho các bạn đó là hãy học thở nước trước, đó là chìa khóa quan trọng để bạn có thể bơi được và học được các kỹ thuật khác.

Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào hoặc gặp khó khăn trong quá trình tập luyện, hãy comment bên dưới bài viết để được trợ giúp nhé.
Kỹ Thuật Thở Trong Bơi Lội - Thở Trong Bơi Ếch Kỹ Thuật Thở Trong Bơi Lội - Thở Trong Bơi Ếch Reviewed by Huỳnh Minh on 1:56 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.