Thông Báo

banner image

Kinh Nghiệm Học Bơi Ếch Cơ Bản Cho Người Mới Bắt Đầu

Bơi ếch là kiểu bơi đơn giản, dễ học và áp dụng nên thường được lựa chọn cho những người mới bắt đầu học bơi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể học và áp dụng tốt kỹ thuật bơi này, bài viết này mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để giúp các bạn đặc biệt là những bạn mới học dễ tiếp thu hơn.



Trước hết, nếu bạn nào đã theo dõi blog của mình chắc sẽ biết đến Series học bơi cơ bản cho người chưa biết bơi, bạn có thể tìm thấy trong mục Học bơi cơ bản.

Mục tiêu của mình khi viết Series bài viết trên là nhằm tóm tắt kiến thức và chia sẻ những gì mình đã học được nhằm giúp các bạn mới học bơi hoặc chưa có điều kiện đến học tại các lớp dạy bơi. Tuy nhiên, sau một thời gian mình nhận thấy vẫn còn nhiều bạn gặp các khó khăn trong quá trình học cũng như kỹ thuật bơi chưa được hoàn thiện lắm.

Bài viết lần này mình sẽ tóm tắt các lỗi cơ bản mà các bạn hay gặp qua đó chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để giúp bạn khắc phục những lỗi này. Nhưng các kỹ thuật thì bạn phải xem lại trong bài học trước nhé.

Xem lại bài học: Hướng dẫn tự học bơi ếch cơ bản.

1. Phối hợp động tác.

Thông thường khi học bơi ếch bạn sẽ được hướng dẫn ba kỹ thuật chính đó là : Chân, Tay và Đầu (thở), mặc dù để có thể phát huy hết tốc độ cũng như sức mạnh của kiểu bơi này sẽ cần nhiều yếu tố nhưng mình nghĩ nếu bạn nắm chắc ba động tác chính là đã khá đầy đủ.

Khi đã nắm vững ba kỹ thuật : Chân, Tay, Đầu ( thở ) trong bơi ếch, đây là điều quan trọng mà rất nhiều bạn thường bỏ qua đó là phối hợp. Đối với những bạn mới học vì sao mình phải hướng dẫn các kỹ thuật theo thứ tự Chân, Tay, Đầu (thở), vì đó chính là thứ tự mà khi  xuống nước ta sẽ thực hiện.

Thứ tự động tác bơi ếch

Hầu hết, chúng ta khi mới học sẽ có xu hướng sợ nước, sợ bị sặc, chính vì vậy mà khi bơi ta hay bị hoảng những khi nước cao qua đầu. Những lúc như vậy theo thói quen chúng ta sẽ cố ngoi đầu lên để thở và vô tình phá vỡ thứ tự động tác (Chân, Tay, Đầu ).

Mất bình tĩnh khi bơi sẽ rất nguy hiểm

Bên cạnh đó, do không có lực từ chân và tay nên việc cố ngoi đầu lên trở nên rất khó khăn, thậm chí là không ngoi lên được dẫn đến sặc nước, tệ hơn có thể bị mỏi cơ, chuột rút...

Tóm lại, nếu bạn đã nhớ được 3 kỹ thuật Chân, Tay và Đầu thì nhiệm vụ của bạn là phối hợp chúng thật nhịp nhàng và đúng thứ tự, hãy bơi ở vùng nước thấp trước, bám vào gờ tường hoặc bơi dưới sự giám sát của người khác như vậy bạn sẽ tự tin hơn.

Hãy thực hiện động tác một cách chậm rãi, nhẩm trong đầu thứ tự của động tác và đừng lo bạn không chết đuối được đâu.

2. Thở nước.

Kỹ thuật thở nước trong bơi ếch có thể nói là kỹ thuật thở đơn giản nhất trong các kiểu bơi bởi cơ thể nổi lên trên nước khá cao, cho bạn tầm nhìn tốt và sự thoải mái trong lúc thở. Nhưng vì sao rất nhiều người vẫn mắc phải lỗi này khi bơi?

Xuống thở ra bằng mũi, lên hít vào bằng miệng

Lí do là hầu hết người bơi thường tự "sáng tạo" kiểu bơi cho mình, họ thường nín thở dưới nước cho đến khi hết hơi mới ngoi lên. Đây là một điều hết sức sai lầm, không những tạo sức ép lên phổi nó còn khiến nước tràn vào mũi nhanh hơn và làm bạn sặc.

Mình sẽ nhắc lại kỹ thuật này một lần nữa: Sau khi thực hiện động tác Chân => Tay ta thực hiện động tác đầu hay còn gọi là thở nước, lúc tay kéo nước đến ngang vai bạn ngoi đầu lên khỏi mặt nước miệng mở rộng lấy hơi thật sâu. Lấy hơi xong ta lại úp mặt xuống nước, lúc này hãy thở ra bằng mũi và thực hiện động tác Chân => Tay => Đầu (lặp lại ). Mình cũng đã từng phân tích vấn đề này trên blog, các bạn có thể tham khảo:

Xem lại: Cách thở trong bơi ếch

Như vậy, khi ở dưới nước, bạn phải thở ra bằng mũi liên tục để nước không tràn vào và khi đã thực hiện động tác chân, tay xong thì ta mới ngoi đầu lên lấy hơi. Nếu làm đúng thứ tự này, chắc chắn bạn sẽ bơi được rất xa do phổi liên tục được trao đổi khí giống như khi ta chạy bộ trên bờ.

3. Cảm nhận nước.

Đây là một kỹ thuật nâng cao hơn dành cho các bạn đã biết bơi ếch và bơi được 25m (bơi hết hồ nhỏ mà không nghỉ ).
Cảm nhận dòng nước bằng cách đạp tường và để nước đẩy bạn đi

Vì sao phải cảm nhận nước? Mình đã từng nhắc đến điều này, đối với một người bơi giỏi bạn sẽ thấy rằng họ như đang nổi trên nước và được dòng nước đẩy đi nhưng với người không hoặc mới biết bơi trông hộ sẽ như đang cố vật lộn trong nước vậy.

Lí do nằm ở sự cảm nhận nước của mỗi người, bản thân mình phải bơi đến hơn 1 năm và tìm đọc tư liệu trên mạng mới biết đến điều này nhưng khi đã biết thì mình cải thiện được rất nhiều về tốc độ và quãng đường bơi.

Để học cách cảm nhận dòng nước bạn phải có khoảng nghỉ giữa các động tác. Ví dụ: Sau khi thực hiện động tác đạp chân chúng ta ngưng lại khoảng 1 - 3 giây, lúc này bạn nằm im cơ thể thả lỏng. Chính lúc này, cú đạp của bạn sẽ tạo ra một lực vào nước giúp cơ thể tiến về phía trước, nhìn vào hình ảnh con bạch tuộc đang bơi ta sẽ dễ dàng hình dụng được.

Hãy nhìn con bạch tuộc này, sau mỗi cú đạp nước, nó sẽ thả lỏng cơ thể để dòng nước đẩy nó đi:


Như vậy, khi mới biết bơi, ta thực hiện động tác một cách liên tục (Chân => Tay => Đầu) và thường mỏi cơ sau khi bơi được 25m (kính thước hồ nhỏ). Tuy nhiên, nếu đã tập luyện và nắm vững được cách cảm nhận dòng nước bạn sẽ thấy bản thân mình bơi ích tốn sức thậm chí là nhanh hơn rất nhiều.

Để chứng minh điều này, bạn hãy bơi cùng một quãng đường, đầu tiên thực hiện động tác một cách liên tục, sau đó là thực hiện động tác kết hợp kỹ thuật cảm nhận dòng nước bằng cách nghỉ khoảng 1 - 3s giữa động tác Chân => Nghỉ (1 - 3s) => Tay => Đầu và cho mình biết cảm nhận của bạn nhé.

Video demo cách bơi cảm nhận dòng nước:


4. Tập luyện

Vấn đề này chắc mình không cần nói nhiều, "văn ôn võ luyện" đó là phương châm của mình và mình nghĩ rằng bạn mới bắt đầu cũng nên tập thói quen này, sẽ rất tốt cho bạn, vì bạn sẽ học nhanh hơn và tiến bộ rõ hơn.

5. Áp dụng

Nhiều bạn mới học bơi dù đã bơi ếch được vẫn rất "ám ảnh" với hồ lớn (hồ bơi dài 50m và sâu 2m). Mình phải nói thêm là muốn bơi tốt buộc lòng bạn phải bơi ở hồ lớn, vì sao ư? giống như câu nói "phải ra biển mới biết đại dương".

Nếu bạn sợ có thể bơi ở rìa hồ lớn, khu vực ngay sát thành hồ, khi bơi không nổi bạn có thể bám vào thành hồ ngay bên cạnh, như vậy chúng ta có thể tập dần dần bằng cách bơi từng khoảng nhỏ cho đến khi bơi được hết hồ.


Đó là những kinh nghiệm bản thân của mình khi học bơi ếch dành cho các bạn mới biết bơi hoặc đã biết nhưng bơi chưa tốt có thể tham khảo. Trên đây mình có sử dụng video của thần tượng bơi lội của mình (không phải vận động viên gì hết ) là ông Shinji Takeuchi người Nhật trong clip ông sử dụng kỹ thuật gọi là Total Immersion mà mình rất thích và sẽ sớm viết bài về kỹ thuật này.

Mình tin là nếu tập luyện một cách thường xuyên và đúng kỹ thuật bạn sẽ nhanh chóng bơi tốt và có thể tự tin hơn mỗi khi ai đó rủ bạn đi bơi.

Kinh Nghiệm Học Bơi Ếch Cơ Bản Cho Người Mới Bắt Đầu Kinh Nghiệm Học Bơi Ếch Cơ Bản Cho Người Mới Bắt Đầu Reviewed by Huỳnh Minh on 12:41 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.