Thông Báo

banner image

Kỹ Thuật Bơi Ếch Đường Dài - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Bơi Ếch Không Mệt

Bơi ếch là kiểu bơi cơ bản được rất nhiều người ưa chuộng và lựa chọn tại hồ bơi. Không giống như những kiểu bơi khác, người học chỉ cần mất một khoảng thời gian ngắn tập luyện đã có thể bơi được một quãng đường dài. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số kỹ thuật để giúp những người mới học cũng như người yêu thích kiểu bơi này khám phá cách bơi ếch không mệt nhé.




Mình thấy trên mạng có rất nhiều bài viết nói về kỹ thuật bơi sải như là: "làm sao để bơi sải nhanh và nhẹ", "bơi sải không biết mệt", "bơi sải ... bla... bla" trong khi đó các bài viết về bơi ếch lại rất ích và hầu như không có ai viết về việc bơi ếch đường dài cả. Chính vì vậy mà hôm nay mình quyết định viết bài này, hy vọng sẽ có ích cho các bạn nào đang có nhu cầu.

Đối với kỹ thuật bơi ếch cơ bản các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây, mình có phân tích và hướng dẫn cách tập luyện cho từng động tác. Ngoài ra, một kỹ thuật nâng cao hơn đó là bơi ếch nhanh và nhẹ cũng đã được mình đề cập đến, hãy tham khảo hai bài viết này nếu bạn chưa xem nhé.

Xem thêm:
Hướng dẫn học bơi ếch cơ bản
Kỹ thuật bơi ếch nhanh và nhẹ

Sau khi đã đọc hai bài viết trên mình chắc chắn bạn đã hình dung được trong đầu một khái niệm bơi ếch khác với khi mới bắt đầu học bơi đúng không. Thật ra nếu nói là kỹ thuật thì có phần hơi cao siêu qua, bởi vì khi ta bơi ếch đường dài, bơi một cách liên tục thì ta vẫn dùng những kỹ thuật cơ bản của bơi ếch như tay, chân, đầu.

Tuy nhiên, trong quá trình bơi ta sẽ phải thay đổi một số thói quen và áp dụng một vài thay đổi về phương pháp vì mục đích của ta lúc này không phải là bơi sao cho nhanh về đích mà là cố gắng bơi quãng đường càng xa, càng dài.

Có rất nhiều yếu tố nhưng mình xin phép chỉ liệt kê 2 yếu tố chính và cũng là quan trọng nhất:

1. Hô hấp

Nói về hô hấp hay còn gọi thở nước mình đã từng có một bài viết về thở nước khi bơi ếch, trong bài viết đó có phần thở khi bơi bền, đây là mục mà chúng ta quan tâm, hãy tham khảo lại bài viết này nhé.

Xem thêm: 
Kỹ thuật thở trong bơi ếch

2. Động tác

Trong một lần nói về kinh nghiệm học bơi cho người mới mình đã từng đề cập đến một phương pháp bơi gọi là Total Immersion, với phương pháp này, người bơi hoàn toàn có thể bơi một cách thoải mái, nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo tốc độ và quãng đường bơi.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng phân tích phương pháp này qua góc nhìn dưới kiểu bơi ếch ( Kỹ thuật Total Immersion có thể áp dụng cho tất cả các kiểu bơi ).
Hãy xem video sau và so sánh với cách bơi ếch của bản thân:


Bạn có nhận thấy sự khác biệt chứ, mình sẽ liệt kê một số điểm khác biệt giữa kỹ thuật bơi ếch của mình với người trong video để làm ví dụ:

1. Sự chuyển động của nước
Mình không biết nên dùng từ gì để diễn tả cho dễ hiểu, đại khái là khi quan sát người trong video bơi điều đầu tiên mình dễ dàng nhận ra là anh ta không làm nước bắn tung tóe mà thay vào đó là lướt một cách rất êm như con thuyền rẽ nước vậy.

Lướt nhẹ nhàng không làm nước văng tung tóe

2. Thời gian nghỉ
Khi camera chuyển xuống dưới nước ta dễ dàng thấy được giữa những lần đạp chân và quạt tay là một khoảng nghỉ khá lâu (khoảng 3 giây ), tức là thực hiện động tác: Đạp chân => Nghỉ (trong tư thế tay và chân duỗi thẳng, mắt nhìn đáy hồ ) => Quạt tay thay vì một cách liên tục như ta hay được học ở các lớp dạy bơi.

3. Chìm sâu
Rõ ràng khi mới học bơi chúng ta thường sợ chìm và với quen điểm đó ta luôn cố gắng ngoi lên dù đang bơi, thậm chí nhiều người còn thắc mắc làm sao bơi ếch không bị chìm. Tuy nhiên, hãy quan sát video ta thấy rất rõ cơ thể người bơi chìm hẳn xuống nước và không một bộ phận nào nổi lên cho đến khi anh ta lấy hơi.

Toàn bộ cơ thể chìm sâu vào trong nước sau khi lấy hơi

4. Lấy hơi nhanh
Nếu bạn chú ý đến thời gian trong video sẽ nhận ra người này ngoi lên lấy hơi và chìm xuống nước rất nhanh (khoảng 1 giây ) tức anh ta chỉ kịp lấy hơi và lại chìm vào nước ngay.

Chỉ duy nhất phần đầu ngoi lên lấy hơi

5. Số lần động tác ít
Hãy quan sát kích thước hồ, mình không chắc nhưng có lẽ tối thiểu hồ này phải 25m ( tương đương hồ nhỏ ở Việt Nam ta) và đếm số lần thực hiện động tác ta sẽ thấy người này chỉ mất 6 đến 7 nhịp bơi là bơi hết hồ.

Như vậy, từ video trên ta có thể thấy được rằng cùng một kích thước hồ, cùng một kiểu bơi nhưng nếu ta biết cách áp dụng một phương pháp mới rõ ràng ta hoàn toàn có thể bơi với một tốc độ cao hơn, ít mất sức hơn rất nhiều.

Người trong video trên là Shinji Takeuchi ông là người đã đạt con số 7 triệu lượt view trên youtube khi thực hiện kiểu bơi sải theo phương pháp Total Immersion chỉ với 9 sải tay cho hồ 25m.

Dù không thể làm được như ông, nhưng mình tin nếu chúng ta tập luyện đúng phương pháp một cách thường xuyên thì chắc chắn sẽ đạt được một thành tựu nhất định. Một số lưu ý khi tập luyện:

1. Sử dụng hồ nhỏ
Khi tập luyện một kiểu bơi mới hoặc một kỹ thuật mới, mình luôn trở về hồ nhỏ ( 25m) và mình cũng khuyến khích các bạn điều này vì rõ ràng khi ta có sự thay đổi cơ thể chưa thích nghi được nếu bạn cứ miễn cưỡng bơi cự li lớn sẽ gây nhiều hậu quả khó lường ( sai động tác, mỏi cơ, ...).

2. Cảm nhận nước
Đây là yếu tố đã giúp mình cải thiện rất nhiều trong kỹ thuật bơi của bản thân vì vậy mình luôn đề cập đến nó trong hầu hết các bài viết. Cố gắng tạo ra khoảng nghỉ giữa các lần thực hiện động tác và cảm nhận dòng nước đưa bạn đi thay vì lặp lại các động tác một cách vô tội vạ.

3. Đếm số lần thực hiện động tác
Một phương pháp cổ điển mà mình hay dùng trong tập luyện đó chính là đếm số lần thực hiện động tác trên cùng một quãng đường, thông thường mình chọn quãng đường ngắn khoảng 15m (nữa hồ nhỏ) và bắt đầu bơi.
Mục tiêu của chúng ta lúc này là làm sao giảm tối thiểu số lần thực hiện động tác, có như vậy cơ thể chúng ta mới hạn chế việc vận động quá nhiểu, đốt cháy calo và dẫn đến mỏi cơ.

4. So sánh
Bạn có thể so sánh thời gian bơi của bản thân với bạn bè hoặc với chính bản thân khi mới bắt đầu bơi để thấy được sự tiến bộ của mình. Bên cạnh đó hãy chú ý đến quãng đường và thể lực của bản thân, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự tiến bộ vượt bậc về thể lực của chính mình đấy.

Bơi không khó, thậm chí nhiều nghiên cứu khoa học ngày nay đã chỉ ra con người biết bơi khi còn trong bụng mẹ, chính vì vậy hãy cùng hoài niệm lại những ký ức đã quên và cảm nhận niềm vui khi bơi nhé. Chúc các bạn sớm đạt được thành quả mà bạn mong muốn.
Kỹ Thuật Bơi Ếch Đường Dài - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Bơi Ếch Không Mệt Kỹ Thuật Bơi Ếch Đường Dài - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Bơi Ếch Không Mệt Reviewed by Huỳnh Minh on 1:17 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.