Thông Báo

banner image

Cách Khắc Phục Hội Chứng Sợ Nước

Sợ nước, một điều tưởng chừng đơn giản và chỉ có ở trẻ con nhưng sự thật lại không hề đơn giản. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thay đổi không khí bằng cách không nói về bơi lội mà thay vào đó là "hội chứng sợ nước" và cách khắc phục nhé.



1. Sợ nước là gì?

Thật ra nếu bạn search google thì cũng chẳng có định nghĩa đâu, vì mình đã tìm rồi, nếu có thì chắc nó mới cập nhật, hihi.
Vậy nên mình sẽ giải thích theo cách hiểu của mình, sợ nước đơn giản chỉ là việc con người cảm thấy bất an khi bước vào môi trường nước.


2. Hội chứng sợ nước.


Trong thời buổi hiện đại, diện tích ao, hồ, sông suối ngày càng thu hẹp, con người thì tất bật với các công việc, học tập, mưu sinh... chính vì vậy mà sự tiếp xúc giữa chúng ta với môi trường nước ngày một giảm.

Đã có lần mình từng nói về việc con người khi còn trong bụng mẹ đã biết bơi, đúng như vậy, các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh được điều đó. Facebook, Youtube hằng ngày vẫn ra rả các video về những em bé chưa đầy 1 tuổi bơi lội thỏa thích trong nước.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại sợ nước? khi mà từ bé ta đã có thể bơi? theo như mình tìm hiểu do việc từ khi sinh ra trẻ em được tách hẳn khỏi môi trường nước và sống trên cạn nên bản năng sinh tồn trong nước bị mất đi.



Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là mất đi bản năng thì có thể tìm lại qua việc trau dồi, học hỏi, tìm hiểu... vấn đề lớn ở chỗ một số người thậm chí trở nên mất bình tĩnh và hoảng loạn trong môi trường nước.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng: khi con người chuyển từ môi trường trên cạn xuống nước cơ thể sẽ chuyển từ trạng thái cân bằng sang bấp bênh, không an toàn hạt hạnh nhân trong não được bật lên và Andrenalin, Serotonin được bơm vào máu khiến tim mạch đập nhanh hơn, thở gấp hơn. Andrelanin được biết tới như là hoóc-môn "Chiến đấu hay Bỏ chạy". Nó làm máu dồn tới cơ bắp, làm chúng căng phồng lên sẵn sàng để bạn sẵn sàng chiến đấu hay bỏ chạy. Còn tác dụng của Serotonin phức tạp hơn. Nó có thể gây ảo giác, làm bạn phê, mê muội đi như các loại ma tuý, cũng có thể làm bạn cảm thấy lờ vờ, sắp chết.

Bạn thấy đấy, không có gì phải xấu hổ nếu bạn mắc phải hội chứng sợ nước vì đơn giản đây là hoạt động của não bộ và chắc chắn không riêng gì bạn đâu, tin mình đi.

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ nước


Trải nghiệm trực tiếp: đúng như tên gọi đây là trường hợp rất thường thấy trong cuộc sống, một số người đã từng trải qua những biến cố như bị đuối nước, sặc nước, bị dìm... sẽ hình thành một ác cảm và mỗi khi nhìn thấy nước họ sẽ nhớ lại chuyện quá khứ đã ám ảnh mình.

Trải nghiệm gián tiếp: gián tiếp ở đây có nghĩa là bạn không trực tiếp trải qua nhưng lại được chứng kiến hoặc nghe kể về những tai nạn hoặc sự cố liên quan đến nước. Cá nhân mình thấy trường hợp này không quá nghiêm trọng như người trải nghiệm trực tiếp, tuy nhiên nếu không khắc phục cũng có thể gây hậu quả lâu dài.

4. Cách khắc phục hội chứng sợ nước

Nói là cách khắc phục nhưng sự thật thì đây không phải là bệnh và chẳng có thuốc nào có thể giúp được bạn. Tất cả những gì mà mình muốn bạn hiểu được đó là nước không nguy hiểm như bạn tưởng tượng và nếu biết cách bạn hoàn toàn có thể làm chủ trong môi trường nước.

Đây là video mình sưu tập được trên Youtube:




Trong video có đề cập đến 2 vấn đề đó là cách nổi trong nước và kỹ thuật thở nước, như mình đã nói ở trên mục đích của việc luyện tập này là để giúp bạn có thể cảm nhận được rằng cơ thể của bạn hoàn toàn không bị chìm trái lại còn nổi lên khi xuống nước.

Tóm tắt video:

1. Thở nước

Theo như trong video thì kỹ thuật thở nước được học sau nhưng mình vẫn muốn hướng dẫn các bạn trước vì thực tế mình dạy nhiều bạn và nhận ra họ dễ dàng bị sặc nước khi không nắm được kỹ thuật thở.

Mình đã viết rất chi tiết về kỹ thuật thở nước dành cho người mới học bơi, các bạn có thể tham khảo tại đây:

Xem thêm: Thở nước là gì? Hướng dẫn tập luyện thở nước cho người chưa biết bơi.

2. Tập nổi

Khi đã biết cách thở nước thì bạn có thể bước sang học nổi, nói là học nhưng sự thật thì chỉ là bạn trải nghiệm để thay đổi nhận thức mà thôi vì cơ bản cơ thể con người luôn nổi trong nước.

Bước 1: Đi xuống hồ bơi bằng cầu thang và chú ý nắm vào tay vịn cầu thang ngay cả khi bạn đã xuống nước, chắc chắn rằng chân của bạn chạm vào đáy hồ ( ở đây chúng ta tập luyện tại hồ nhỏ, độ cao dưới 1m5)

Bước 2: Lặn vào nước, cố gắng để nước ngập qua đầu của bạn ( đây chính là lý do mà mình muốn bạn học thở nước trước thay vì học nổi trước) trong lúc nước ngập qua đầu hãy thực hiện kỹ thuật thở nước.

Bước 3: Cố gắng lặn thật sâu vào nước với 1 hoặc 2 tay bám vào tay vịn hồ bơi và bạn sẽ thấy có một lực đẩy ngực lại khiến cơ thể nổi lên. Đây chính là lực đẩy giúp cơ thể nổi trong nước và dù bạn có cố gắng thế nào cả cơ thể của bạn cũng không thể chạm đáy hồ.

Bước 4: Sau khi hoàn thành bước 3 mình tin là bạn đã có thêm chút tự tin rồi nhỉ, ở bước này, chúng ta sẽ khắc phục hoàn toàn nổi sợ hãi bằng cách buông tay ra khỏi tay vịn hồ bơi.
Để thực hiện động tác nay, các bạn co gối lại, hai tay ôm gối, mặt úp xuống nhìn đáy hồ và thở nước. Lúc này, cơ thể của bạn chắc chắn sẽ nổi lên trên đặc biệt là phần lưng, chúng ta sẽ giữ như vậy khoảng 3 giây để cảm nhận độ nổi.

Bước 5: Tương tự như bước 4 nhưng nâng cao hơn, chúng ta vẫn không bám vào bất kì một vật gì và bắt đầu thả lỏng để cơ thể nằm xấp trong nước, mắt nhìn đáy hồ, hai tay, hai chân duỗi thẳng và thả lỏng kết hợp thở nước.
Một số bạn khi thực hiện đến động tác này cơ thể sẽ chìm hoặc khó nổi hơn, các bạn đứng quá lo lắng đó là do các bạn đã thở ra nhiều oxi mà thôi. Mình cũng xếp đây là một động tác khó, ngay cả với những người bơi lâu năm, nên bạn chỉ cần thực hiện đến động tác 4 là được.

Kết luận


Các bạn có thể làm theo hướng dẫn trong video hoặc phần mình tóm tắt, đối với các bạn lần đầu tiên có thể nhờ bạn bè đi cùng để quan sát và giúp bạn tập luyện. Tuy nhiên, bản thân mình thấy rằng hội chứng sợ nước thật sự tác động rất lớn đến tâm lí của nhiều người, nếu không thể khắc phục được sẽ rất khó để bạn có thể học bơi.

Nếu như trong 1 buổi mà bạn không thể cùng lúc thực hiện được cả hai bước trên (thở nước và nổi) thì bạn có thể chia ra làm 2 buổi và mỗi kỹ thuật cho 1 buổi nhé. Lưu ý là nên tập thở nước trước, nắm được kỹ thuật thở nước bạn sẽ có cảm giác an tâm hơn khi tập luyện.

Nếu bạn có bất kì khó khăn nào trong quá trình tập luyện hoặc ý kiến đóng góp có thể comment bên dưới bài viết nhé.

Cách Khắc Phục Hội Chứng Sợ Nước Cách Khắc Phục Hội Chứng Sợ Nước Reviewed by Huỳnh Minh on 10:22 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.